Theo truyền thống,
người Thái ở nhà sàn như họ đã xác định trong thành ngữ: "Nhà có gác, sàn
có cột" (Hươn mi hạn quản mí xau). Nhà sàn của người Thái mang một nét đẹp
riêng biệt, đơn sơ nhưng cũng không kém phần bề thế, sang trọng.
Ngôi nhà sàn được cấu trúc bởi các loại cây thân gỗ và
các loại cây như tre, vầu, nứa... lợp bằng cỏ gianh. Nếu ai đó đã quen với nếp
sống thủ công nghiệp mà chưa một lần được nhìn ngắm ngôi nhà của người dân tộc
Thái thì khi được tận mắt ngắm nhìn sẽ không sao tránh khỏi ngạc nhiên, vì đó
là một ngôi nhà sàn khá đồ sộ như nhà của các gia đình quý tộc ngày xưa mà
"không phải dùng đến một mẩu sắt nhỏ nào trong thiết kế xây dựng".
Thay vào những cái đinh là cả một hệ thống dây chằng, buộc thắt khá công phu và
tinh xảo bằng lạt, tre, giang và mây, hoặc vỏ những cây chuyên dùng như năng
hu, năng xa, năng xiểu. Khi làm nhà, để nối cái cột kèo, người Kinh thường lắp
mộng thắt, còn nhà sàn người Thái sử dụng những đòn dầm xuyên suốt qua các lỗ
đục của các cột. Kiểu kiến trúc có vẻ đơn sơ nhưng lại rất chắc chắn, nó đủ lực
để chống nắng, mưa, gió, bão và đặc biệt là động đất như hiện nay.
Trong ngôi nhà của người Thái xưa kia luôn có hai bếp
lửa, một bếp dành cho người già và một bếp dành cho phụ nữ, nhưng ngày nay nhà
sàn của người Thái chỉ còn lại một bếp lửa dành cho tất cả mọi người. Cầu thang
lên nhà cũng là hai, một dành cho đàn ông, một cho đàn bà. Để trang trí nhà,
người Thái khắc nhiều hoa văn họa tiết tinh xảo trên bậu cửa sổ, trên các tấm
ván hình răng cưa làm chấn song cửa sổ, trên “khau cút” (hai tấm ván đóng chéo
nhau hình chữ X trên đòn nóc). Các bản người Thái thường sống quần tụ ở dưới
chân núi đồi, nơi những dòng suối uốn mình chảy qua.
Điểm khác biệt nhất của nhà cửa người Thái so với
người Việt và Hán là họ xây nhà sàn. Nhà người Thái trắng có khá nhiều điểm gần
với nhà Tày-Nùng. Còn nhà người Thái Đen lại gần với kiểu nhà của các cư dân
Môn-Khmer. Tuy vậy, nhà người Thái Đen lại có những đặc trưng không có ở nhà
của cư dân Môn-Khmer: nhà người Thái Đen nóc hình mai rùa, chỏm đầu đốc có khau cút với nhiều kiểu khác nhau. Hai
gian hồi để trống và có lan can bao quanh. Khung cửa ra vào và cửa sổ có nhiều hình
thức trang trí khác nhau. Bộ khung nhà Thái có hai kiểu cơ bản là khứ tháng và khay điêng. Vì khay điêng
là vì khứ kháng được mở rộng bằng cách thêm hai cột nữa. Kiểu vì này dần gần lại
với kiểu vì nhà người Tày-Nùng.Cách bố trí trên mặt bằng sinh hoạt của nhà Thái
Đen khá độc đáo: các gian đều có tên riêng. Trên mặt sàn được chia thành hai phần:
một phần dành làm nơi ngủ của các thành viên trong gia đình, một nửa dành cho bếp
và còn là nơi để tiếp khách nam.
Hiện
nay, trước sự phát triển và không ngừng đi lên của xã hội, người Thái đã áp
dụng những khoa học kỹ thuật để tự cải tiến và thay đổi kiến trúc nhà ở của
mình. Sự cải tiến và thay đổi ấy phần lớn do ảnh hưởng bởi cách làm nhà của
người Kinh. Nhà sàn được kê và lắp ghép theo phương pháp nối dầm vào cột bằng
mộng thắt. Sự giao thoa văn hóa giữa hai dân tộc đã tạo ra các kiểu nhà sàn đẹp
đẽ và bề thế vô cùng. Ngày nay, ở nhiều nơi, đặc biệt là dọc theo đường quốc lộ
và ven thị trấn, thành phố, đã có nhiều nhà sàn lắp cầu phong litô lợp ngói (vì
cỏ gianh ngày càng hiếm).
Mọi người đang đua nhau xây dựng nhà ngói hai, ba...
tầng hoặc các kiểu nhà có mái bằng xi-măng cốt thép. Bởi vậy, bước tới các bản
Thái, nhất là vùng dọc quốc lộ và ven thị trấn, thành phố, ta khó có thể tìm ra
được một nếp nhà sàn cổ có cấu trúc theo cung cách truyền thống một cách rõ
rệt. Muốn tìm những bản làng còn giữ được những ngôi nhà sàn nguyên vẹn, chúng
ta phải đi vào vùng sâu, vùng xa như bản Nứa xã Yên khê ( Con cuông), bản Hoa
tiến xã Châu Tiến ( Quỳ Châu). Bản Trung Tâm xã na loi ( Kỳ Sơn)….
(Thaonguyenna)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét