Thứ Tư, 19 tháng 3, 2014

Du lịch bản Nứa



Bản Nứa cách trung tâm thị trấn huyện Con cuông 10km, nằm trên trục đường giao thông đi vào các  danh làm thắng cảnh ở các xã vùng trong và rừng quốc gia Pù Mát, dọc theo tuyến đường này có các điểm du lịch khá nổi tiếng như: Cây Đa Con Chùa, Đập Phà Lài, Khe Khặng, Thác khe Kèm, Làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống Tiến Thành.
Bản Nứa là bản thuần dân tộc Thái chung sống với nhau lâu đời, Bản có diện tích tự nhiên 438,8 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp và rừng phòng hộ có 322,9 ha; diện tích ao hồ có 3,6 ha; diện tích ruộng nước có 16,21 ha, diện tích đất màu có 80 ha.
Bản Nứa có 149 hộ gia đình  với 676 nhân khẩu sinh sống trong đó có 316 người trong độ tuổi lao động ( Nam 181, nữ 235). Đồng bào ở đây chủ yếu canh tác ruộng nước và trồng màu, cây chủ đạo để phát triển kinh tế nông nghiệp là cây Cam và cây Chè. Thu nhập bình quân hàng tháng đạt 630.000đ/khẩu/tháng.
Cơ sở hạ tầng Bản nứa tương đối phát triển, bà con ở đây đã sử dụng điện lưới, hệ thống giao thông đã cơ bản hoàn thiện có khoảng 70% đường giao thông nội bản đã được rải bê tông.
Việc phát triển du lịch cộng đồng đã được bà con đầu tư quan tâm, với sự hỗ trợ của Vườn quốc gia Pù mát, một số bản của các xã trong huyện đã được gắn biển chỉ dẫn du lịch, bà con tại Bản Nưa được tổ chức đi tham quan học tập tại các mô hình du lịch văn hóa cộng đồng như mô hình du lịch văn hóa cộng đồng bản Lác ở Mai châu – Hòa Bình. Hiện nay tại Bản đã có đội văn nghệ  tham gia biểu diễn ở các thôn bản khác khi có yêu cầu của khách với các tiết mục như: Nhảy sạp,  hát đối, múa xòe, múa lam vông.
Hiện nay tại Bản Nứa đã có 8 hộ đăng ký kinh doanh du lịch theo hình thức du lịch cộng đồng, các hộ đã tự đầu tư chỉnh sửa nhà sàn, các trang thiết bị cơ bản. Bản cũng đã thành lập được Đội văn nghệ gồm 18 thành viên và luôn tham gia biểu diễn khi có khách du lịch, thành lập Tổ nấu nướng gồm 5 thành viên.

Lên Vùng cao

            Trên con đường dằng dặc lên miền biên ải, qua bao đèo dốc, con đường như dải lụa uốn lượn quanh co đèo núi, nhớ ngày xưa đường đất đi bộ ai cũng cúi mặt leo dốc làm gì có thời gian ngắm núi non, phong cảnh. giờ đây tất cả đã đổi thay con đường trải nhựa phẳng lỳ, núi rừng quang đãng, nhưng rừng già cổ thụ, những cây gỗ quý hiếm đã theo những con đường mới, theo những anh cán bộ về xuôi chỉ còn lại những mảng rừng thưa thớt những chồi non mới nhú, thỉnh thoảng những vạt rẫy mới phát trên đỉnh núi để lộ một màu vàng đen từ xa trông vào núi như người đàn ông bị hói.
            Kỳ sơn đã đổi khác, đứng từ trên đỉnh núi xã Tây sơn nhìn xuống, thị trấn nép mình bên dòng sông nước luôn mang một màu đỏ đục khi lũ về, đến mùa nắng hạn thì dòng sông trong xanh nhưng nước chỉ đủ len mình giữa bao đá sỏi ngổn ngang của dòng sông trơ đáy. Thị trấn ồn ào náo nhiệt đủ mọi thứ ở xuôi có gì thì ở núi có cái đó, sự giao thoa văn hóa ngày càng thể hiện rõ, nhà xây nhiều hơn, nhà cao tầng nhiều hơn... 
Muốn tìm một nét nguyên sơ thì phải đi vào vùng trong, dọc đường thỉnh thoảng vẫn gặp các chị các mẹ người Mông ra lấy nước và tắm cạnh đường. Nước ở vùng cao rất hiếm, nước được dẫn từ núi cao hơn về, có khi thì lấy cây nứa chọc vào mạch núi để tìm dòng nước rỉ ra cả ngày chỉ được 1 thùng đủ để nấu nướng. 
     Tiết đầu xuân trong cái se lạnh cửa rừng núi, những đứa trẻ người mông đẹp trai như putin vẫn mình trần ngịch nước bên đường, đứa thì không quần, đứa thì không áo cứ hồn nhiên nô đùa  nghịch ngợm, khí thấy người lạ chúng túm tụm vào nhau bẽn lẽn
          Trên gác bếp từng xâu thị bò, thịt trâu được treo sẵn để cho hơi khói hơi nóng của bếp hàng ngày làm cho thịt khô dần, để thịt được khô thì mất cơ vài tháng, thịt này đồng bào giàng dùng để ăn trong những dịp tết và lễ lạt. Thị bò giàng theo cách này có vị thơm và ngọt đậm, ăn hơi khô nên phải nhai kỹ mới cảm nhận được cái vị ngọt, bùi và thơm chứ không như thịt bò giàng được bày bán ở ngoài tị trấn. Thứ thịt mà người ta tẩm gia vị rồi đem đốt chỉ một hai ngày là được.

 Mặc cho cái ồn ào náo nhiệt, vào vùng sâu những bản làng vẫn êm ả nép mình bên những con đường, những nụ cười hồn nhiên, cái vỗ vai, cái bắt tay thân thiện sự mến khách của đồng bào khiến cho những ai dù chỉ một lần qua nơi đây để rồi không thể nào quên......

Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014

Nhà sàn người Thái



Theo truyền thống, người Thái ở nhà sàn như họ đã xác định trong thành ngữ: "Nhà có gác, sàn có cột" (Hươn mi hạn quản mí xau). Nhà sàn của người Thái mang một nét đẹp riêng biệt, đơn sơ nhưng cũng không kém phần bề thế, sang trọng.

Ngôi nhà sàn được cấu trúc bởi các loại cây thân gỗ và các loại cây như tre, vầu, nứa... lợp bằng cỏ gianh. Nếu ai đó đã quen với nếp sống thủ công nghiệp mà chưa một lần được nhìn ngắm ngôi nhà của người dân tộc Thái thì khi được tận mắt ngắm nhìn sẽ không sao tránh khỏi ngạc nhiên, vì đó là một ngôi nhà sàn khá đồ sộ như nhà của các gia đình quý tộc ngày xưa mà "không phải dùng đến một mẩu sắt nhỏ nào trong thiết kế xây dựng". Thay vào những cái đinh là cả một hệ thống dây chằng, buộc thắt khá công phu và tinh xảo bằng lạt, tre, giang và mây, hoặc vỏ những cây chuyên dùng như năng hu, năng xa, năng xiểu. Khi làm nhà, để nối cái cột kèo, người Kinh thường lắp mộng thắt, còn nhà sàn người Thái sử dụng những đòn dầm xuyên suốt qua các lỗ đục của các cột. Kiểu kiến trúc có vẻ đơn sơ nhưng lại rất chắc chắn, nó đủ lực để chống nắng, mưa, gió, bão và đặc biệt là động đất như hiện nay.
Trong ngôi nhà của người Thái xưa kia luôn có hai bếp lửa, một bếp dành cho người già và một bếp dành cho phụ nữ, nhưng ngày nay nhà sàn của người Thái chỉ còn lại một bếp lửa dành cho tất cả mọi người. Cầu thang lên nhà cũng là hai, một dành cho đàn ông, một cho đàn bà. Để trang trí nhà, người Thái khắc nhiều hoa văn họa tiết tinh xảo trên bậu cửa sổ, trên các tấm ván hình răng cưa làm chấn song cửa sổ, trên “khau cút” (hai tấm ván đóng chéo nhau hình chữ X trên đòn nóc). Các bản người Thái thường sống quần tụ ở dưới chân núi đồi, nơi những dòng suối uốn mình chảy qua.
Điểm khác biệt nhất của nhà cửa người Thái so với người Việt và Hán là họ xây nhà sàn. Nhà người Thái trắng có khá nhiều điểm gần với nhà Tày-Nùng. Còn nhà người Thái Đen lại gần với kiểu nhà của các cư dân Môn-Khmer. Tuy vậy, nhà người Thái Đen lại có những đặc trưng không có ở nhà của cư dân Môn-Khmer: nhà người Thái Đen nóc hình mai rùa, chỏm đầu đốckhau cút với nhiều kiểu khác nhau. Hai gian hồi để trống và có lan can bao quanh. Khung cửa ra vào và cửa sổ có nhiều hình thức trang trí khác nhau. Bộ khung nhà Thái có hai kiểu cơ bản là khứ thángkhay điêng. Vì khay điêng là vì khứ kháng được mở rộng bằng cách thêm hai cột nữa. Kiểu vì này dần gần lại với kiểu vì nhà người Tày-Nùng.Cách bố trí trên mặt bằng sinh hoạt của nhà Thái Đen khá độc đáo: các gian đều có tên riêng. Trên mặt sàn được chia thành hai phần: một phần dành làm nơi ngủ của các thành viên trong gia đình, một nửa dành cho bếp và còn là nơi để tiếp khách nam.

Hiện nay, trước sự phát triển và không ngừng đi lên của xã hội, người Thái đã áp dụng những khoa học kỹ thuật để tự cải tiến và thay đổi kiến trúc nhà ở của mình. Sự cải tiến và thay đổi ấy phần lớn do ảnh hưởng bởi cách làm nhà của người Kinh. Nhà sàn được kê và lắp ghép theo phương pháp nối dầm vào cột bằng mộng thắt. Sự giao thoa văn hóa giữa hai dân tộc đã tạo ra các kiểu nhà sàn đẹp đẽ và bề thế vô cùng. Ngày nay, ở nhiều nơi, đặc biệt là dọc theo đường quốc lộ và ven thị trấn, thành phố, đã có nhiều nhà sàn lắp cầu phong litô lợp ngói (vì cỏ gianh ngày càng hiếm).
 Mọi người đang đua nhau xây dựng nhà ngói hai, ba... tầng hoặc các kiểu nhà có mái bằng xi-măng cốt thép. Bởi vậy, bước tới các bản Thái, nhất là vùng dọc quốc lộ và ven thị trấn, thành phố, ta khó có thể tìm ra được một nếp nhà sàn cổ có cấu trúc theo cung cách truyền thống một cách rõ rệt. Muốn tìm những bản làng còn giữ được những ngôi nhà sàn nguyên vẹn, chúng ta phải đi vào vùng sâu, vùng xa như bản Nứa xã Yên khê ( Con cuông), bản Hoa tiến xã Châu Tiến ( Quỳ Châu). Bản Trung Tâm xã na loi ( Kỳ Sơn)….          
                                                                                                        (Thaonguyenna)

Lễ hội Đền Chín gian

- Địa điểm: Đền Chín Gian, xã Châu Kim, Quế phong
- Thời gian: 13-15 tháng 2 âm lịch
     Cách đây gần 700 năm, vào cuối thế kỷ thứ 14 đầu thế kỷ thứ 15, nhân dân Tày - Thái miền Tây Nghệ An xuất hiện, trong đó, có dân Tày - Thái ở vùng Quỳ Châu cũ đến lập nghiệp bắt đầu từ vùng Mường Nọc (Quế Phong) sau lan ra hai trung tâm lớn ở Châu Tiến (Quỳ Châu), Khủn Tinh (Quỳ Hợp) tiếp theo sau là nhóm Tày - Thái, gốc từ Lào, Thanh Hoá các bộ tộc cư dân này tuy khác nhau về nguồn gốc, ngôn ngữ, văn hoá và tín ngưỡng song họ đã cùng nhau, giúp nhau trong lao động sản xuất, sát cánh cùng nhau trong chiến đấu bảo vệ bản mường và từ đây hình thành những cộng cư người mới trên cơ sở những bộ phận các dân tộc miền Tây xứ Nghệ. Để tưởng nhớ công ơn những thế hệ đi trước đã tạo lập bản mường, đền 9 gian đựoc xây dựng. Đền hiện được xây trên núi Pú Quái (Núi trâu) thuộc bản Piếng Chào - xã Châu Kim, thờ Ngọc Hoàng (Thẻn Phà); Công chúa (Xỉ Đà) và Thành Hoàng (Tạo Ló Ỳ) và những người có công tạo lập 9 mường.
          Lễ hội Đền 9 gian từ rất lâu đã trở thành ngày hội trọng đại, thiêng liêng trong đời sống của đồng bào dân tộc Thái miền Tây xứ Nghệ. Nơi đây chính là điểm hội tụ văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Thái, là biểu tượng của khối đại đoàn kết dân tộc. Lễ hội đền 9 gian là dịp để mọi người về với cội nguồn, về với một di tích lịch sử văn hoá dân tộc.
          Sau lễ chém trâu, lễ Đại tế (Lễ xớ Thẻn, xớ Đăm) đã diễn ra trang trọng với ý nghĩa kính mời Thẻn Phà cùng các vị thần linh, tổ tiên dòng họ về dự lễ hội và thụ hưởng các sản vật sau một năm dài lao động sản xuất. Đồng thời, cầu cho bản Mường làm ăn  phát đạt, lúa đầy đồng, cá đầy sông, rừng xanh tươi tốt, nhiều khoáng sản, dân bản giàu có, yên vui no ấm, đoàn kết một lòng.
          Nếu như không khí của Lễ Hiến Sinh trong đền trang trọng bao nhiêu các hoạt động vui chơi và các trò chơi dân gian diễn ra bên ngoài đền lại vui nhộn bấy nhiêu. Đến với Lễ hội du khách được đắm mình trong những trò chơi dân gian như ném còn, kéo co, thi đánh trống, cồng chiêng, khắc luống, văn nghệ… lưu giữ những hoạt động văn hóa truyền thống tốt đẹp về đời sống tâm linh, là nơi sinh hoạt văn hóa đầy ấn tượng, hướng tới cái thiện, uống nước nhớ nguồn của những cư dân Thái trong vùng. Nét mới của Lễ hội năm nay, huyện Quế Phong tổ chức nhiều trò chơi dân gian hát xuổi nhuôn, tò lẻ, chọi gà, gói bánh chưng, quăng chài cá trên sông Tà Tạo. Về với lễ hội, du khách được đắm chìm trong một không gian rất riêng giữa núi rừng Tây Bắc xứ Nghệ. ( ST)
                                                                                                     

Phát triển du lịch cộng đồng miền tây Nghệ an


         
  Tiềm năng về phát triển du lịch dựa vào cộng đồng ở Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An là rất lớn. Điều này được thể hiện ở sự đa dạng về những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Thái miền Tây Nghệ An còn được lưu giữ: Kiến trúc nhà sàn, những làng văn hóa thái cổ như Bản Nưa, Bản Yên Thành ở Con Cuông,  Bản Vi ở Quỳ Hợp, Bản Hồng Tiến ở Quỳ Châu… Những nét sinh hoạt cộng đồng (múa lam vông với cồng chiêng, hát dân ca Thái; Nghề dệt thổ cẩm, thêu… ) đã được bảo tồn gần như nguyên vẹn; Các lễ hội lớn gắn với bản sắc văn hóa người Thái còn được duy trì và phát huy như: Lễ hội văn hóa dân tộc Thái hàng năm tại Môn Sơn, Con Cuông; Lễ Hội Mường Ham ở Quỳ Hợp; Lễ hội Hang Bua ở Quỳ Châu, Lễ Hội đền 9 gian ở Quế Phong; Một số ngành nghề truyền thống đã được khôi phục và phát triển tốt như Dệt thổ cẩm; Đan lát hàng thủ công mỹ nghệ ở Con Cuông, Quỳ Châu, Quỳ Hợp… 
         Một trong những giải pháp để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc đó là đưa các giá trị văn hóa đó vào làm du lịch cộng đồng, thông qua các hoạt động du lịch cộng đồng người dân địa phương có được những nguồn thu trực tiếp từ các dịch vụ cung cấp cho khách và những nguồn thu này đôi khi lớn hơn rất nhiều so với sản xuất nông nghiệp. Tiếp đến là việc phát triển cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, còn những lợi ích thiết thực khác như công ăn việc làm, giao lưu văn hóa và đặc biệt là ý thức xã hội về bảo tồn văn hóa được nâng cao…
 Việc xây dựng và bảo tồn phát triển văn hóa kết hợp du lịch cộng đồng không chỉ bảo tồn được văn hóa nhà sàn, điệu dân ca, điệu khắp, câu nhuôn mà còn duy trì được nhiều nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, gìn giữ được những công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt đặc trưng... 
Du lịch sinh thái cộng đồng vừa là thế mạnh, vừa là hướng đi đúng đắn, phù hợp nhất để du lịch đóng góp ngày càng xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Từ việc khảo sát các địa danh tự nhiên, các di tích trên địa bàn để quản lý; khảo sát toàn bộ các làng, bản đủ điều kiện bảo tồn văn hóa vật thể, mở rộng các điểm du lịch cộng đồng; mở rộng quảng bá các di tích, ngành nghề truyền thống, hoạt động văn hóa dân gian, khôi phục các lễ hội truyền thống; xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch như điểm lưu trú, điểm sinh hoạt văn hóa, đường, điện; sản xuất các sản phẩm du lịch đặc trưng như dệt thổ cẩm, đan lát... đến việc đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên am hiểu du lịch, các di tích, thắng cảnh trên địa bàn và đặc biệt là bản sắc văn hóa Thái, Khơ mú, Mông...Huyện Con Cuông, Quế Phong  là những huyện thuộc Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An, có tới 88% dân số là người dân tộc thiểu số trong đó có 74% là cộng đồng dân tộc Thái với những giá trị văn hóa phong phú, độc đáo và  chứa đựng tính nhân văn cao cả. Vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Thái ở đây đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau mà việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Thái ở huyện Con Cuông, Quế Phong vẫn thiếu những giải pháp cụ thể, đồng bộ. Đặc biệt là việc bảo tồn và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của người Thái. Mông.... đang dần bị mai một. 
 Một trong những giải pháp để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng dân tộc Thái đó là đưa các giá trị văn hóa đó vào làm du lịch cộng đồng, thông qua các hoạt động du lịch cộng đồng người dân địa phương có được những nguồn thu trực tiếp từ các dịch vụ cung cấp cho khách và những nguồn thu này đôi khi lớn hơn rất nhiều so với sản xuất nông nghiệp. Tiếp đến là việc phát triển cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, còn những lợi ích thiết thực khác như công ăn việc làm, giao lưu văn hóa và đặc biệt là ý thức xã hội về bảo tồn văn hóa được nâng cao…
  Từ thực tế các vấn đề đã nêu ở trên các cấp các ngành đã xây dựng và đầu tư phát triển du lịch cộng đồng vùng dân tộc và miền núi. Đặc biệt trong thời gian qua Vườn quốc gia Pù Mát đã ký  Thỏa thuận đối tác thực hiện giữa Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) Việt Nam và Ban quản lý Vườn quốc gia Pù Mát về vai trò và nhiệm vụ của đối tác thực hiện đề xuất “Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tuyến Bồng Khê – Yên Khê – Lục Dạ - Môn Sơn huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An” với  mục tiêu bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái đồng thời tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân địa phương góp phần giảm áp lực của người  dân vào tài nguyên rừng.